Ngày Quốc tế Lao động
1/5 là một trong những ngày lễ lớn, có ý nghĩa lịch sử và chính trị sâu sắc
không chỉ đối với giai cấp công nhân, người lao động trên toàn thế giới mà còn
đối với dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh
kiên cường, bất khuất của phong trào công nhân quốc tế; đồng thời thể hiện sự
quan tâm, ghi nhận và tri ân đối với những đóng góp to lớn của lực lượng lao
động trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lịch sử ngày Quốc tế
lao động
Ngày Quốc tế Lao động bắt nguồn từ cuộc
đấu tranh của công nhân Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Khi đó, trong bối cảnh chủ
nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ, người lao động bị bóc lột nặng nề: phải làm
việc từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, không có
bảo hiểm, không có quyền lợi và bị đối xử bất công. Trước tình trạng đó, phong
trào đấu tranh của công nhân ngày càng phát triển và lan rộng. Đỉnh cao là vào
ngày 1 tháng 5 năm 1886, hàng trăm nghìn công nhân ở thành phố Chicago và nhiều
nơi khác tại Hoa Kỳ đã tổ chức đình công đòi giảm giờ làm việc xuống còn 8 giờ
mỗi ngày. Cuộc đấu tranh diễn ra mạnh mẽ, nhưng cũng bị đàn áp hết sức dã man.
Sự kiện “Đẫm máu ở Haymarket” xảy ra sau đó, khi cảnh sát nổ súng vào đoàn biểu
tình, đã khiến nhiều người chết và bị thương. Dù bị đàn áp, cuộc đấu tranh đó
đã thắp lên ngọn lửa cách mạng và tinh thần kiên cường, đoàn kết trong hàng
triệu người lao động trên toàn thế giới. Ba năm sau, vào năm 1889, tại Đại hội
lần thứ II của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ hai) tổ chức tại Paris (Pháp), đại
hội đã quyết định lấy ngày 1 tháng 5 hằng năm làm Ngày Quốc tế Lao động, nhằm
tưởng niệm các công nhân Chicago, đồng thời biểu dương tinh thần đấu tranh của
giai cấp công nhân toàn cầu. Kể từ đó, ngày 1/5 trở thành biểu tượng của đoàn
kết, của sức mạnh quần chúng lao động và là ngày hội lớn của người lao động
trên toàn thế giới.

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam
Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động được
tổ chức lần đầu tiên vào năm 1930, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân Việt Nam đã nhanh chóng trở thành
lực lượng nòng cốt trong phong trào cách mạng, không ngừng đấu tranh giành
quyền lợi, đòi cải thiện điều kiện làm việc và tiến tới mục tiêu giải phóng dân
tộc. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc và công
cuộc đổi mới đất nước sau này, giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng trưởng
thành và lớn mạnh. Đội ngũ người lao động trong mọi ngành nghề, lĩnh vực đã và
đang không ngừng nỗ lực lao động, sáng tạo, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp
hóa – hiện đại hóa đất nước, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hùng cường và
thịnh vượng. Ngày 1/5 ở Việt Nam ngày nay là một ngày lễ chính thức, là dịp để
toàn xã hội thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với những người lao động. Đồng
thời, đây cũng là thời điểm để các cấp, các ngành, các tổ chức công đoàn chăm
lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động; phát động các phong trào
thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất,
chất lượng sản phẩm và hiệu quả công việc.
Ngày Quốc tế Lao động
1/5 là biểu tượng của:
• Tinh thần đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động
toàn thế giới.
• Sự kiên cường đấu tranh vì quyền lợi chính đáng, hợp pháp
của người lao động.
• Lòng biết ơn sâu sắc với những đóng góp to lớn của giai cấp
công nhân trong mọi thời kỳ.
• Sự khẳng định vai trò trung tâm của người lao động trong sự
phát triển của xã hội hiện đại. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước ta đang thực
hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, giai cấp
công nhân và đội ngũ người lao động càng cần phát huy tinh thần cách mạng, đổi
mới tư duy, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công
nghiệp và kỷ luật lao động để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là dịp để toàn
thể nhân dân trên thế giới tôn vinh những đóng góp to lớn của người lao động
đối với sự phát triển của xã hội. Đây là ngày thể hiện sự đoàn kết, lòng yêu
thương và sự kính trọng đối với tất cả những ai đang lao động, cống hiến cho sự
tiến bộ của nhân loại.
Nhìn lại 139 năm kể từ khi ngày Quốc tế
Lao động được khởi xướng, chúng ta không thể không ghi nhớ những cuộc đấu tranh
của các tầng lớp lao động để đòi quyền lợi chính đáng, bảo vệ những giá trị
nhân phẩm và sự công bằng trong xã hội. Những sự kiện lịch sử này đã góp phần
xây dựng nên một thế giới với những điều kiện làm việc tốt hơn và một xã hội
công bằng, văn minh.
Hôm nay, khi chúng ta kỷ niệm
Ngày Quốc tế Lao động 1/5, hãy cùng nhau tôn vinh những người lao động, những
người đã và đang góp phần tạo dựng một nền kinh tế thịnh vượng và một xã hội
công bằng. Đó là những người thợ, người nông dân, bác sĩ, giáo viên, công nhân,
và tất cả những ai đang đóng góp hết sức mình vì sự phát triển chung của cộng đồng.
Đồng thời mỗi người lao động Việt Nam cần phát huy hơn nữa
tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tích cực học tập, rèn luyện, thi
đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước
giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, các tổ chức công đoàn và cơ
quan chức năng cần tiếp tục quan tâm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chăm lo đời sống
vật chất, tinh thần cho người lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn
định và tiến bộ